Vẽ Henna

Vẽ Henna Henna tatto Khi họa tiết lên tiếng




Khác với vẻ hầm hố và cá tính của các thể loại hình xăm thường “hợp cạ” với các nam nhân, Henna dường như sinh ra để “chuyên trị” những làn da mềm mại và mỏng manh của con gái, từ chất liệu để vẽ đến cách thức tạo hình của các họa tiết. Cũng có vẻ ngoài kha khá giống một hình xăm, nhưng vẽ Henna chỉ đơn giản là dùng mực chiết xuất từ thực vật để tạo hình trên tay, chân của teen. Vậy đó, mà làm teen nhà mình sôi sùng sục vì độ “ảo diệu” và “chất” đến từng milimét.

Trang trí làn da con gái

Lướt Pinterest, dạo Instagram hay vi vu trên FB, các Gteen sẽ nhiều lần xuýt xoa khi nhìn thấy những hình xăm quá đẹp và dễ dàng nảy sinh ao ước có một hình xăm đặc biệt nào đó trên người. Nhưng chuyện đưa cây kim xăm lên da của mình là một chuyện rất khác, sẽ không ít rắc rối đi kèm: hình xăm sẽ “định danh” nhiều cái nhìn của người xung quanh với teen, rắc rối với bố mẹ, hoặc hôm nay muốn xăm, ngày mai muốn xóa thì phải làm sao?
Nhưng Henna du nhập vào Việt Nam sẽ đáp ứng tất cả những “lăn tăn” đó. Teen khao khát có một họa tiết trên da ư? Không cần phải suy nghĩ nhiều, bởi hình vẽ Henna chỉ lưu lại trên da có 1-2 tuần và hoàn toàn “vô hại”. Ban đầu, đa số teen thích Henna vì nhìn thấy các họa tiết và hình thức khá giống hình xăm, nhưng khi tìm hiểu kỹ về Henna, bạn sẽ mê mẩn vì nó không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, có những ý nghĩa rất đặc biệt và thân thiện với môi trường nữa.




Henna thật ra là tên một giống cây có hoa được trồng tại những vùng khô hạn ở châu Phi, Nam Á và Bắc Úc. Lá cây henna được phơi khô và giã nhuyễn ra có màu xanh chàm, sau đó được pha trộn với các nguyên liệu khác để nhuộm da, tóc, móng tay, da động vật và vải vóc. Mehndi là tên gọi của hình thức nghệ thuật dùng henna vẽ lên da người, nhưng thông thường người ta vẫn quen với cách gọi henna tattoo hơn. Teen từng đi du lịch ở Ấn Độ, Bali, hoặc những khu người Ấn ở Singapore, sẽ thấy môn chơi này rất phổ biến như một thứ nghệ thuật đường phố đặc trưng. Đến Ấn Độ, Bali mà không quay về với một hình vẽ Henna trên tay thì xem như bạn chưa tận hưởng hết đất nước này đâu nhé! Nguồn gốc xuất phát của Henna là từ Ấn Độ. Henna thường được thực hiện với mục đích tôn giáo hay trong những dịp lễ hội, có giá trị lớn đối với người dân Ấn Độ. Không bao giờ có đám cưới nào tại Ấn Độ mà cô dâu không được “trang trí” bằng những hình vẽ Henna công phu trên tay và bàn chân. Những hình vẽ Henna này thường rất đẹp, cầu kỳ và có thể đi với bất kỳ loại quần áo nào. Dần dần, khi phổ biến ra thế giới, Henna thường mang ý nghĩa một lời chúc hay cầu mong sự may mắn, hạnh phúc sẽ đến với mọi người. Khác với sự hầm hố và có vẻ “đau đời” của hình xăm, Henna chỉ xuất hiện với những họa tiết mềm mại, rất truyền thống kiểu Ấn và dĩ nhiên là “con gái” vô đối, nên khi bạn vẽ một họa tiết Henna lên tay, bạn sẽ thấy vui gấp bội phần, khác hẳn chuyện đắn đo khi “xâm mình” để có một hình xăm tương tự.


Nhà nhà Henna, người người Henna

Bùng nổ ở Sài Gòn trong khoảng một tháng trở lại đây, nơi xuất hiện rầm rộ nhất của Henna chắc có lẽ là các hội chợ garage sale – vương quốc độc tôn của con gái. Teen Sài Gòn quen dần với hình ảnh của các nghệ sĩ vẽ Henna (dĩ nhiên là người vẽ lẫn người được vẽ đều là tuổi teen, hehe) với bộ đồ nghề quen thuộc là những tuýp thuốc bột lá cây Henna, một chiếc bàn nho nhỏ và đôi tay tài hoa. Vậy thôi! Nhưng đủ để cả đám đông teen trầm trồ xuýt xoa rồi nhíu mắt mím môi đưa tay vẽ thử và bao giờ rời gian hàng cũng toét miệng cười hớn hở. Khác với hình dung của nhiều teen là để tạo nên những họa tiết cầu kỳ như thế chắc sẽ phải mất nhiều thời gian và chịu đau. Thật ra với những hình đơn giản vừa phải, bạn chỉ cần 15 phút là hoàn thành rồi. Cảm giác khi tuýp thuốc vẽ lướt nhanh trên da bạn cũng rất dễ chịu, vì bột lá cây mát mát và có mùi thơm dìu dịu như thuốc bắc.
Một nghệ sĩ vẽ Henna ở Sài Gòn, tip cho teen tụi mình một vài bí quyết để có một hình vẽ Henna đẹp nè:



- Gan bàn chân và lòng bàn tay là nơi có lớp da dầy nên nó sẽ hút màu Henna vào rất sâu, do đó mực sẽ lưu lại đậm và lâu nhất so với các vùng da khác trên cơ thể.
- Sau khi vẽ xong, xông hơi hoặc làm ẩm vùng da được vẽ sẽ giữ màu được lâu hơn hoặc sau khi mực Henna khô và còn bám trên da, lấy nước chanh pha với đường thành hỗn hợp sệt, quết lên da, để khô sau đó rửa đi, màu sẽ đậm và lâu phai hơn.
- Nên để mực xăm khô tự nhiên trên da trong vài giờ hoặc qua đêm. Màu xăm sẽ lưu trên da khoảng một tuần hoặc lâu hơn tùy thuộc loại da của mỗi người.




- Bạn có thể tự pha cho mình mực xăm Henna. Bột này trộn với các phụ gia như nước chanh, trà, dầu bạch đàn, tràm, lavender tạo thành hỗn hợp màu xanh lá đậm sệt sệt như kem đánh răng.


Cẩn thận với mực vẽ Henna giả

Màu vẽ Henna có nguồn gốc từ lá móng, nguyên chất thảo dược hoàn toàn không có hại khi vẽ trên da người nhưng màu vẽ này chỉ cho một màu xám xanh duy nhất khi mới vẽ, lúc khô rồi, bột bong ra mới để lại họa tiết màu nâu đỏ trên da và nhạt dần sau khi tiếp xúc với nước. Bạn tuyệt đối không nên tin vào những loại mực được quảng cáo là giữ độ bền màu lâu hơn vì có thể chúng có chứa chất phụ gia gây dị ứng cho da bạn. Nhiều bạn thích “hàng độc” lại đi tìm những loại Henna có màu đen sậm, màu trắng bột hay có kim tuyến, những loại mực vẽ đó chắc chắn được pha trộn từ những thành phần khác và khó mà biết được chúng có an toàn cho làn da bạn hay không.


Chỉ tìm đến những địa chỉ vẽ Henna có uy tín thôi bạn nhé, để đảm bảo mực vẽ không gây hại cho da bạn. Hãy ngửi thử mùi của tuýp mực vẽ Henna nguyên gốc sẽ có mùi thảo dược thoang thoảng, không có mùi thơm quá hay mùi hắc không tự nhiên. Ở Sài Gòn, xưởng vẽ Múm ở địa chỉ 162/5 Phan Đăng Lưu, Q. Phú Nhuận hầu như là nơi duy nhất có mực vẽ nhập trực tiếp từ Ấn Độ. Nhưng dù gì đi nữa, trước khi chọn cho mình một hình vẽ Henna, hãy bôi thử một ít mực lên da để xem bạn có bị kích ứng gì không nhé!

Theo trang web chuyên về Henna We Live in Peace, vì Henna có trong truyền thống của nhiều nền văn hóa khác nhau chứ không riêng gì Ấn Độ nên có rất nhiều thể loại họa tiết và mỗi họa tiết lại có nhiều ý nghĩa khác nhau. Teen có thể chọn một số ý nghĩa cơ bản như chúc phúc và ban phước lành:

Con công: sắc đẹp.

Con chim: người đưa tin (giữa thiên đường và trần gian).

Con bướm: sự chuyển đổi, hoán chuyển.

Con chuồn chuồn: sự tái sinh.

Con vẹt: lời nhắn nhủ yêu thương.

Con cá: đôi mắt phụ nữ.

Con bọ cạp: tình yêu và sự lãng mạn, nọc độc của nó cũng giống như mũi tên của thần Cupid, khi trúng ai thì kẻ đó sẽ bị khó thở, nóng ran và sốt, cũng giống như triệu chứng khi yêu vậy.

Bông hoa: niềm vui và hạnh phúc.

Cây và lá nho: tuổi thọ, sự tận tâm, kiên trì, sức sống bền bỉ.

Tắc kè và rắn: những người tìm kiếm sự giác ngộ.

Hoa sen nở: sự thức tỉnh của tâm hồn, ngây thơ, đẹp đẽ, sáng tạo, nữ tính và tinh khiết.

Mặt trời, mặt trăng và ngôi sao : tình yêu sâu đậm và bền vững

Chồi, nụ: sự sinh sôi, nhất là sau cơn hạn hán, tượng trưng cho sự .bắt đầu của một tình yêu mới và một cuộc sống mới.

Bàn cờ: một loại họa tiết cổ, ở một số biến thể khác nó có nghĩa là khoảnh khắc hạnh phúc.

Hình gợn sóng: tượng trưng cho nước, thanh tẩy và mang lại sự sống, tượng trưng cho cảm xúc con người.

Hình vuông: ma thuật, áp dụng hình này để bảo vệ và chống lại bệnh tật.    
 

Xem thêm: hướng dẫn vẽ henna


Tag:                       thời trang và cuộc sống 
           trị mụn trứng cá  ,   cách làm trắng da  ,   làm đẹp
                         henna tattoo
Gửi tâm sự
Press Esc to close