Kỹ năng xã hội dành cho bạn trẻ
Bài 1:Ai trong chúng ta cũng muốn có mối quan hệ sâu sắc với người khác. Ai cũng muốn ảnh hưởng được người khác, mong họ làm theo ý của chúng ta. Ấy vậy mà trong không ít trường hợp, kết quả lại ngược lại. Chúng ta bị xa lánh hay người mà ta muốn ảnh hưởng lại làm ngược ý của chúng ta. Vì sao?
Về mặt chủ quan, chúng ta luôn nghĩ rằng ta muốn điều tốt cho người khác, ví dụ như khi cha mẹ dạy con hay sếp góp ý cho cấp dưới, nhưng thông điệp phát ra không vô thưởng vô phạt. Nó bị tác động bởi những yếu tố chủ quan chi phối người phát ra nó. Ví dụ như những động cơ, nhu cầu, những cảm xúc không làm chủ được khiến cho mục đích truyền thông bị sai lệch.Ông B ưa “nổ” và trở thành “trung tâm của vũ trụ” trong một tập thể. Ông đùa cũng có duyên nhưng lần lần người ta cũng ngán rồi xa lánh ông. Nhu cầu thầm kín của ông là được coi trọng, nể nang mà ông không có được từ người thân.
Bà C đi đâu cũng khoe con, khoe của vì mặc cảm thua kém. Chị E dạy con rất khắt khe nhưng không hiệu quả vì chị hay nặng lời với chúng khi giận chồng, nghĩa là chị giận cá chém thớt. Anh H toàn báo cáo tích cực với sếp vì muốn lấy điểm và những vấn đề thật của cơ quan không được giải quyết.
Đối với người phát có hai cơ chế tâm lý cần quan tâm. Đó là khái niệm hay hình ảnh về bản thân và cơ chế tự vệ. Hình ảnh về bản thân là cách chúng ta tự đánh giá mình một cách không ý thức... Nó hình thành từ cách người xung quanh phản ứng, đối xử, đánh giá chúng ta từ lúc nhỏ và hình ảnh này có xu hướng tự khẳng định với thời gian dù nó có thể thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi đột ngột và mạnh mẽ. (Khái niệm này được giải thích cặn kẽ trong loạt bài “Ý thức về giá trị bản thân” - TTCN 2003).
Nếu tự đánh giá mình thấp, ta có mặc cảm tự ti, ta có thể khép kín, không dám tự khẳng định mình, không dám bày tỏ nhu cầu, nguyện vọng của mình. Ngược lại, ta có thể che giấu mặc cảm thua thiệt bằng cách “nổ” hay khoe khoang như trường hợp ông B và bà C kể trên. Nếu tự đánh giá mình tích cực thì ta tự tin và người tự tin không cần khoe khoang, màu mè. Họ trung thực, giản dị, dễ hòa đồng. Các mối quan hệ sẽ trong suốt, trôi chảy.
Cơ chế thứ hai ảnh hưởng quá trình truyền thông là cơ chế tự vệ. Những cố gắng để đối phó với những khó khăn, đau khổ, bực dọc, lo âu, mặc cảm tội lỗi... trong cuộc sống có khi rất khó chịu đựng nên ta có xu hướng lờ đi hoặc tránh né bằng những cách như sau:
a) Đè nén: là cố tình gạt ra ngoài ý thức các ý tưởng, cảm xúc mà ta không thích. Ta tự dối mình bằng cách tránh né thực tế không vui thay vì công nhận nó. Bằng cách này, ta tự chôn mình trong một thế giới theo ý muốn và đứng ngoài thực tế.
b) Tránh né: ta không chối bỏ thực tế đau buồn, nhưng tô hồng nó như bà C tô hồng thực tế bằng cách khoe khoang của cải, con cái.
c) Bù đắp: là cố gắng che đậy một khuyết điểm, khuyết tật bằng cách phát triển một nét tích cực khác. Điều này khá bình thường và không có gì xấu. Ví dụ như người mù có thính giác tốt nên cố học ngoại ngữ, học hát thật hay... Tuy nhiên, nếu làm thái quá có thể mất tác dụng. Ông B tận dụng sự có duyên của mình để vui với bạn bè, để bù đắp cho sự thiếu quan tâm của vợ con. Nhưng khi ông “nổ” quá thì người ta ngán.
d) Phóng chiếu: là gán cho người khác những ý kiến hay lỗi lầm của mình. Không thích một thầy giáo trong lớp, N tuyên bố “đa số” học sinh chống đối thầy. Hoặc ta đổ lỗi cho số phận về những thất bại của ta.
e) Viện lý lẽ: đưa ra những lý lẽ không đúng sự thật để biện minh cho hành động của ta: “tôi đánh con vì tôi thương con”.
f) Giận cá chém thớt: như bà mẹ E giận chồng lại đánh con kể trên.
g) Thoái bộ: là trở lại hành vi thơ ấu để tránh né thử thách, khỏi có trách nhiệm. Đứa bé đã lớn đột nhiên đái dầm, bắt mẹ đút ăn vì mẹ mới có em bé. Nó sợ mất tình thương của mẹ, sợ mất vị trí ưu tiên nên muốn trở thành em bé. Người lớn cũng có những lúc đau ít mà tỏ ra đau nhiều để được chăm sóc...
Trên đây là những phản ứng mà ta có thể quan sát hằng ngày khi con người phải đối phó với những khó khăn thử thách nội tâm và không có sức mạnh để nhìn nhận thực tế. Chúng chi phối thái độ và hành động của ta khiến ta không còn thật với mình và với người khác. Điều này làm cho các mối quan hệ thêm khó khăn, nội dung truyền thông bị rối nhiễu.
Do đó, để truyền thông có hiệu quả, cần biết mình, biết các động cơ và cảm xúc chi phối mình. Làm chủ chúng, điều chỉnh chúng để phát ra những thông điệp càng khách quan càng tốt. Khi truyền thông, ta muốn điều tốt cho người kia nhưng lắm khi ta lại làm tổn thương họ, gây mất tin tưởng, làm cho đôi bên khó gần nhau. Ta tưởng ta giúp họ nhưng thực tế ta đang giải tỏa nhu cầu của chính ta.
Bài 2: Nói sao cho người ta nghe
Ông Steer, nguyên đại diện Ngân hàng Thế giới tại VN, trước khi rời nhiệm sở có nhận xét rằng học sinh VN cần được bồi dưỡng về một số kỹ năng để làm việc có hiệu quả trong xã hội hiện đại. Theo ông, đó là các kỹ năng giải quyết vấn đề, truyền thông và giao tiếp, làm việc theo tinh thần đồng đội (team work).Có lẽ nhận xét của ông khá chính xác vì các bạn không được rèn luyện để suy nghĩ cho mình thì làm sao có sáng kiến để giải quyết những vấn đề đặt ra. Thường chúng ta được dạy những giải pháp làm sẵn, trọn gói do người khác tìm giùm. Các bạn chỉ học tuân theo mệnh lệnh thì làm sao tự khẳng định mình để truyền thông có hiệu quả.
Kỹ năng truyền thông và giao tiếp (communication) là những kỹ năng căn bản nhất. Vì mỗi chúng ta lớn lên thành người thông qua tương tác với người xung quanh. Các mối quan hệ này càng tốt thì nhân cách chúng ta mới càng phát triển lành mạnh, sung mãn. Chúng ta giao tiếp bằng hành động, bằng cách biểu lộ cảm xúc và đặc biệt là bằng lời nói (hay chữ viết). Tưởng đâu giao tiếp bằng lời là dễ dàng vì nó như hơi thở đối với chúng ta, nhưng thực tế không phải vậy.
Truyền thông là một kỹ năng mà trong xã hội hiện đại không học thì không làm được. Từ trung học cơ sở lên tới đại học ta chủ yếu nghe, ghi nhận và cố nhớ không kịp suy nghĩ. Bạn trẻ ít có cơ hội diễn đạt, nhất là trước một tập thể.
Trong khi đó ở nhiều nước ngày nay trẻ ở cấp mẫu giáo được sắp xếp học theo nhóm để sau này biết hợp tác, và tập diễn đạt ý kiến riêng của mình, tập sáng tạo...
Ở cấp trung và đại học, học sinh sinh viên thường thảo luận nhóm, qua đó bạn trẻ học nghe người khác, học diễn đạt ý kiến cá nhân một cách mạch lạc, chính xác. Môn nói chuyện trước tập thể (speech) là môn bắt buộc ở cấp đại cương. Sinh hoạt ngoại khóa là một phần không thể thiếu trong giáo dục. Qua đó học sinh sinh viên tham gia các cuộc tranh luận, diễn đàn, với lớp bạn, trường bạn.
Hạn chế trong kỹ năng truyền thông và giao tiếp chắc chắn tác động đến hạnh phúc cá nhân và gia đình, ảnh hưởng đến khả năng tìm việc làm, thăng tiến nghề nghiệp.
Tag: kỹ năng sống, kỹ năng xã hội ,nghe thuat song